Tiến bộ mới đã được thực hiện về vấn đề nhập cư

Tiến bộ mới đã được thực hiện về vấn đề nhập cư


Theo thỏa thuận, các quốc gia thành viên EU có thể chia sẻ việc tiếp nhận những người xin tị nạn và cũng có thể đóng góp vào quỹ chung do EU điều hành để chăm sóc người di cư. Nếu người nộp đơn không có cơ hội xin tị nạn ở EU, họ sẽ bị trả lại ngay lập tức và tất cả các đơn xin tị nạn được xử lý trong vòng tối đa 6 tháng. Các quốc gia không sẵn sàng chấp nhận những người xin tị nạn sẽ cung cấp tới 20.000 euro mỗi người cho một quỹ ủng hộ người di cư do EU điều hành.

Thỏa thuận đạt được lần này đã phá vỡ thế bế tắc về nhập cư vốn gây nhiều chia rẽ và tranh chấp giữa các nước EU trong thời gian qua. Tuy nhiên, Cao ủy Nội vụ EU Ilva Johnson nhấn mạnh rằng câu hỏi về việc những người xin tị nạn bị từ chối sẽ được gửi đến đâu vẫn là một vấn đề lớn mà EU phải tập trung giải quyết. Số lượng người di cư vượt biên giới Địa Trung Hải vào châu Âu tăng vọt trong những năm gần đây đã gây áp lực lên một số nước EU, trong đó có Italy. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, số người di cư bị bắt dọc theo tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải đã tăng 28% lên gần 42.200 người. Người di cư đi qua trung tâm Địa Trung Hải đã chiếm hơn một nửa số người di cư vào EU bất hợp pháp kể từ đầu năm.

Các chuyên gia dự báo, thời tiết ấm hơn ở khu vực Địa Trung Hải trong giai đoạn chuyển mùa xuân hè sẽ là yếu tố khiến làn sóng di cư gia tăng. Tuy nhiên, thời tiết thuận lợi không phải là lý do duy nhất. Các lý do khác đến từ khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột ở Libya, Tunisia, Pakistan và các quốc gia khác. Di cư đã bị lu mờ trong chương trình nghị sự của EU trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 lắng xuống và chính sách mở cửa biên giới được thực hiện, dòng người di cư trái phép qua Địa Trung Hải vào EU lại tăng mạnh.

Một số nhóm nhân đạo gần đây lập luận rằng EU đã không tăng cường nỗ lực tạo ra các tuyến đường an toàn và hợp pháp cho những người xin tị nạn tràn vào châu Âu. Trong nửa đầu năm 2023, hơn 1.000 người xin tị nạn đã chết ở Địa Trung Hải. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết cái chết của những người xin tị nạn ở Địa Trung Hải là kết quả của một hệ thống quản lý di cư thất bại, thiếu tính thống nhất và không đặt những người xin tị nạn làm trung tâm. Trước tình hình đó, vấn đề nhập cư đã trở lại chương trình nghị sự ưu tiên của EU cùng với các vấn đề nóng bỏng khác như xung đột ở U-crai-na, lạm phát, biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận về phân bổ người xin tị nạn đánh dấu một thành tựu quan trọng đối với nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng EU của Thụy Điển. Tuy nhiên, thỏa thuận không đủ để giải quyết vấn đề nan giải về nhập cư, bởi mục tiêu cuối cùng của EU là thiết lập một hệ thống kiểm soát nhập cư lâu dài, bền vững và hiệu quả. (qua)