Theo Ngân hàng Thế giới, nếu được quản lý đúng cách, di cư có thể là một động lực mạnh mẽ cho sự thịnh vượng và phát triển ở các quốc gia xuất xứ và quốc gia đến.
Báo cáo Phát triển Thế giới 2023: Di cư, Người tị nạn và Xã hội do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy các nước giàu và ngày càng nhiều quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm và rơi vào tình trạng cạnh tranh để thu hút lao động. Đồng thời, dân số được dự đoán sẽ tiếp tục tăng ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp, gây thêm áp lực tạo việc làm cho những người trẻ tuổi trong độ tuổi lao động.
Tỷ lệ người trưởng thành trong độ tuổi lao động được dự báo sẽ giảm mạnh ở nhiều quốc gia trong những thập kỷ tới. Theo Ngân hàng Thế giới, lực lượng lao động của Tây Ban Nha có thể giảm hơn 1/3 vào năm 2100, khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi tăng từ 20% lên 39%. Các quốc gia khác như Mexico, Thái Lan, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sớm cần nhiều lao động nước ngoài hơn vì dân số của họ không còn tăng nữa.
Ngoài những thay đổi về nhân khẩu học, các yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhập cư cũng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Theo Ngân hàng Thế giới, số lượng người xin tị nạn trên toàn cầu đã tăng gần gấp ba lần chỉ trong thập kỷ qua. Biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố dễ thấy nhất thúc đẩy di cư ngày nay. Khoảng 3,5 tỷ người, tương đương 40% dân số thế giới, hiện đang sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia đánh giá, cách tiếp cận hiện tại không những không phát huy tối đa lợi ích phát triển tiềm năng của việc di cư, mà ngược lại còn mang đến hàng loạt thách thức cho những người quyết định rời bỏ quê hương tìm kiếm cuộc sống mới. Khoảng 184 triệu người, tương đương 2,5% dân số thế giới, sống ở những quốc gia mà họ không có quyền công dân. 43% trong tổng số trên là người nhập cư sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Trong hai tuần cuối tháng 4, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã vớt được thi thể của hơn 200 người di cư. Tunisia chỉ là một trong vô số điểm nóng trong hành trình đầy nguy hiểm mà những người di cư phải thực hiện để thoát khỏi bạo lực và nghèo đói.
Tunisia từ lâu đã là nơi tập trung và trung chuyển của người di cư từ các nước đang có xung đột ở châu Phi và Trung Đông trên đường tới châu Âu qua Địa Trung Hải. Đã có nhiều vụ chết đuối và mất tích thương tâm trong những năm qua. Trong ba tháng đầu năm 2023, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã chặn hơn 14.000 người di cư đang cố gắng đến châu Âu, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Các chuyên gia chỉ ra vai trò của hợp tác quốc tế trong việc đưa di cư trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.
Theo đó, các quốc gia gốc nên coi nhập cư là động lực rõ ràng hơn cho các chiến lược phát triển của họ, cung cấp cho công dân của họ những kỹ năng rất cần thiết trên toàn cầu để họ có thể tìm được việc làm tốt hơn. Ngoài ra, tăng cường các nỗ lực bảo hộ công dân khi công dân ra nước ngoài và hỗ trợ mạnh mẽ khi họ quyết định quay trở lại.
Nước đến phải đảm bảo người di cư được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội và tạo điều kiện để người di cư hội nhập sâu hơn vào xã hội nước sở tại.
Chính quyền Tunisia và châu Âu đang tích cực hợp tác để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư và quản lý các luồng di cư hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia Nabil Amar nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết vấn đề di cư, dựa trên việc đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội, thúc đẩy các kênh di cư hợp pháp đồng thời ngăn chặn nạn buôn người và di cư bất hợp pháp.
Các nhà chức trách EU cũng tái khẳng định cam kết giải quyết nạn nhập cư bất hợp pháp bằng cách thúc đẩy đào tạo nghề và cơ hội việc làm, đồng thời tăng cường các nỗ lực chung để chống nạn buôn người và nhập cư bất hợp pháp. (qua)